Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững trong thời gian tới
Một số kết quả đạt được trong phát triển doanh nghiệp 9 tháng đầu năm 2023 Trong 09 tháng đầu năm, trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có nhiều khó khăn, thách thức bất thường, phức tạp hơn nhiều so với dự báo, nhưng nhờ có sự lãnh đạo sáng suốt, sát sao, kịp thời của Đảng; sự đồng hành và giám sát có hiệu quả của Quốc hội; sự chỉ đạo, điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.
Thứ nhất, kinh tế nước ta vẫn tiếp tục là điểm sáng; kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; lạm phát, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Tăng trưởng kinh tế và công nghiệp từng bước được phục hồi, GDP tăng 4,24%. Doanh nghiệp trong một số ngành trọng điểm có tín hiệu phục hồi khả quan, đóng góp tích cực cho xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế quốc gia.
Thứ hai, số doanh nghiệp gia nhập và quay trở lại thị trường có xu hướng tăng trở lại, niềm tin đầu tư kinh doanh tiếp tục được củng cố và có xu hướng tích cực. Tính riêng trong Quý III/2023, cả nước có gần 60.000 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung 9 tháng đầu năm chúng ta có 165 nghìn doanh nghiệp, gấp 1,2 lần mức bình quân giai đoạn 2018 - 2022. Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của Tổng cục Thống kê cho thấy 70% doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và khoảng 65% doanh nghiệp ngành xây dựng đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh tốt hơn và giữ ổn định trong Quý III và Quý IV.
Thứ ba, kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp ở cả khu vực nhà nước và ngoài nhà nước những tháng đầu năm 2023 đạt mức tăng trưởng tích cực hơn cùng kỳ năm ngoái và duy trì được mức tăng đóng góp ngân sách. Theo ước tính của Tổng cục Thuế, khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh có tổng doanh thu 6 tháng đầu năm 2023 đạt trên 11,8 triệu tỷ đồng, tăng 16,17% so với cùng kỳ 2022. Nộp ngân sách từ nguồn thuế thu nhập doanh nghiệp đạt trên 247 nghìn tỷ đồng, tăng 17,22% so với cùng kỳ năm trước. Khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) cơ bản đã nỗ lực tổ chức sản xuất kinh doanh đạt kế hoạch đề ra, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô.
Thứ tư, đáng ghi nhận là trong bối cảnh hết sức khó khăn xuất hiện nhiều tấm gương, doanh nghiệp tiêu biểu chủ động thích ứng với bối cảnh mới, đổi mới sáng tạo, đón bắt xu hướng, tham gia các ngành kinh tế mới tạo giá trị mới, động lực mới cho tăng trưởng kinh tế Một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn đã chủ động chuyển đổi, đầu tư mạnh mẽ vào các ngành công nghiệp mới AI, chip bán dẫn, hydrogen. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp khu vực tư nhân đã tiên phong đổi mới mô hình kinh doanh theo hướng kinh tế xanh, tuần hoàn, qua đó đóng góp tích cực vào quá trình hiện thực hoá mục tiêu phát triển bền vững và cam kết Net Zero của Chính phủ vào năm 2050.
2. Khó khăn, thách thức
Mặc dù đạt được một số kết quả đáng khích lệ nêu trên, theo phản ánh cộng đồng doanh nghiệp vẫn tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức không chỉ từ nay đến cuối năm mà dự kiến còn kéo dài sang cả năm 2024, tập trung vào 04 nhóm vấn đề sau:
Một là, sức mua của thị trường đặc biệt là thị trường xuất khẩu suy yếu, doanh thu sụt giảm, đơn hàng có dấu hiệu phục hồi nhưng rất chậm
Hai là, áp lực chi phí cao và khó khăn trong việc tiếp cận vốn để duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh
Ba là, vướng mắc về rào cản pháp lý và thực thi pháp luật tiếp tục gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp
Bốn là, xu hướng áp dụng các tiêu chuẩn xanh, bền vững trên thị trường quốc tế tạo ra áp lực về chi phí tuân thủ; việc gia tăng áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại của các nước gây khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.
3. Tình hình triển khai các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp
Với tinh thần luôn đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp, thời gian qua Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo sát sao các bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt các chính sách, giải pháp linh hoạt, hiệu quả, thích ứng với tình hình mới; chỉ đạo các Thành viên Chính phủ làm việc với các địa phương, thành lập các Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ, cơ quan, địa phương, cán bộ, công chức nhằm kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, dự án đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, cụ thể:
Thứ nhất, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục cải thiện mạnh mẽ. Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua 8 luật, 17 nghị quyết. Một số vướng mắc của dự án, doanh nghiệp bất động sản về thủ tục đầu tư, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nộp tiền sử dụng đất,… đã được xem xét, tháo gỡ; đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong cải cách thủ tục hành chính; thúc đẩy Chính phủ điện tử và hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số; đẩy mạnh triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chính phủ đã ban hành liên tiếp nhiều quyết sách để trợ lực cho cộng đồng doanh nghiệp, điển hình như: Nghị quyết số 58/NQ-CP và Nghị quyết số 105/NQ-CP nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững. Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng Chính phủ cũng thường xuyên chủ trì nhiều hội nghị đối thoại chuyên đề với doanh nghiệp theo các nhóm ngành nhằm lắng nghe và kịp thời có các chỉ đạo quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Thứ hai, quyết liệt tháo gỡ khó khăn, khôi phục thị trường cho doanh nghiệp trong một số ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh
- Chính phủ quan tâm và ban hành nhiều chính sách khuyến khích, tạo nền tảng phát triển những lĩnh vực kinh tế mới như kinh tế xanh, kinh tế số.
- Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng có các chỉ đạo quyết liệt thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thị trường bất động sản. Ngoài ra, các bộ ngành, địa phương tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tham gia thương mại điện tử, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, phát huy các FTA đã ký kết; triển khai hiệu quả các chính sách kích cầu tiêu dùng, phát triển thương mại trong nước.
Thứ ba, khơi thông nguồn vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, chia sẻ gánh nặng chi phí với doanh nghiệp Trong 9 tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã 04 lần liên tiếp giảm lãi suất điều hành, mặt bằng lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân giảm 1,5 - 2% so với cuối năm 2022; tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất cho khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Các chính sách tài khoá hỗ trợ doanh nghiệp như giảm tiền thuê đất, hoãn, gia hạn thời hạn nộp thuế, giảm thuế VAT, hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động... được công đồng doanh nghiệp ghi nhận và đánh giá cao. Các thị trường vốn khác như trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán cũng được các bộ, ngành vào cuộc quyết liệt tháo gỡ và đang dần có những chuyển biến tích cực hơn. Có thể khẳng định, các chính sách vừa qua đã phần nào chia sẻ được những tổn thất mà doanh nghiệp phải gánh chịu. Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp vẫn còn rất nhiều mong mỏi, kỳ vọng vào những quyết sách và hành động mạnh mẽ hơn nữa từ phía các cơ quan nhà nước, để đồng hành cùng doanh nghiệp, vượt qua thách thức, nắm bắt thời cơ.
4. Đề xuất, kiến nghị một số nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian tới
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất gợi mở một số nhiệm vụ và giải pháp như sau:
Thứ nhất, nhanh chóng tháo gỡ những điểm nghẽn, rào cản pháp lý đang cản trở hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp. Cần xác định rõ việc cải cách thể chế, tháo gỡ ngay những rào cản pháp lý, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng là giải pháp đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hiện nay nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn và phục hồi. Trong đó, cần tập trung giải quyết ngay những bất cập đã được doanh nghiệp phản ánh nhiều lần như quy định về phòng cháy chữa cháy, kiểm tra chuyên ngành... Toàn hệ thống cần nhất quán trong việc không ban hành thêm những quy định mới làm phát sinh chi phí, thủ tục, thời gian ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân và doanh nghiệp, hoặc không cần thiết cho công tác quản lý nhà nước. Đồng thời cần triển khai hiệu quả cơ chế bảo vệ cho cán bộ công chức thi hành công vụ, dám đột phá, không vụ lợi tại Nghị định số 73/2023/NĐCP ngày 29/9/2023 để tháo gỡ tâm lý và sức ỳ cho hệ thống công vụ.
Thứ hai, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp giảm gánh nặng chi phí, tăng cường khả năng tiếp cận vốn và các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước.
- Khẩn trương tháo gỡ khó khăn đối với việc hoàn thuế VAT cho các doanh nghiệp; rà soát, cắt giảm một số chi phí còn bất hợp lý so với thực tiễn hoạt động kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp như: Chi phí kiểm dịch động vật, định mức chi phí tái chế, chi phí lưu kho bãi…; rà soát biểu giá bán lẻ điện, giá nước sạch; đánh giá tính hợp lý, tính khả thi của các phương án xác định tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội; nghiên cứu chính sách giảm tỷ lệ đóng kinh phí công đoàn từ 2% xuống 1%.
- Rà soát tổng thể các chính sách về thuế hiện hành, đề xuất Chính phủ phương án ưu đãi thuế và lộ trình áp dụng cho các doanh nghiệp, dự án xanh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; thực hiện chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; nghiên cứu phương án ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp chuyển đổi số.
- Tập trung vốn tín dụng phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên, khuyến khích phát triển; thực hiện các giải pháp tiết giảm chi phí, hạ lãi suất huy động, tạo điều kiện giảm lãi 86 suất cho vay kể cả VND và USD để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp. Tích cực giải ngân các gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp đã được ban hành: Gói 40.000 tỷ đồng hỗ trợ 2% lãi suất, 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội và 15.000 tỷ đồng cho ngành lâm sản, thủy sản.
- Nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và các quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV. Đảm bảo Sàn giao dịch trái phiếu doanh nghiệp vận hành thông suất, ổn định và an toàn. Khẩn trương ban hành Quy định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (Regulatory Sandbox) hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng (Fintech) tại Việt Nam trong năm 2023. Thứ ba, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường mới, đẩy mạnh xuất khẩu và thúc đẩy tiêu dùng trong nước.
- Tiếp tục theo sát diễn biến tình hình kinh tế và các điều chỉnh chính sách của các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản,… phổ biến thông tin, đưa ra cảnh báo sớm cho ngành hàng và cộng đồng doanh nghiệp; Thiết lập các đầu mối thông tin thị trường đối với các sản phẩm xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam; nghiên cứu áp dụng mô hình hợp tác công tư hình thành văn phòng xúc tiến du lịch ở nước ngoài.
- Tích cực hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tận dụng các cam kết tại các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới để đẩy mạnh xuất khẩu. Nhanh chóng cảnh báo và cập nhật những thông tin mới nhất về các biện pháp phòng vệ thương mại, các tiêu chuẩn, kỹ thuật mới của các nước đối tác xuất khẩu. Tập trung thực hiện hiệu quả chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước, đặc biệt qua các nền tảng số và thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa.
- Khẩn trương triển khai các giải pháp thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu để gỡ thẻ vàng IUU cho các mặt hàng thủy sản Việt Nam.
Thứ tư, hỗ trợ người lao động, giải quyết việc làm và bảo đảm an sinh xã hội. Triển khai nhanh và hiệu quả chính sách hỗ trợ đoàn viên công đoàn, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng theo Nghị quyết số 06/NQ-TLĐ; nghiên cứu triển khai kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp về việc dùng 100% kinh phí công đoàn và đoàn phí công đoàn để hỗ trợ trực tiếp, đào tạo cho người lao động tại chính doanh nghiệp, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp giữ chân người lao động, chờ đợi thị trường phục hồi.
Thứ năm, đẩy mạnh triển khai các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, hoàn thiện thể chế khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào ứng dụng các mô hình kinh doanh bền vững, các ngành công nghiệp mới và phát triển các ngành kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn