Vai trò của Công đoàn trong cải cách hành chính, giải pháp thời gian tới
Trong những năm qua, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam luôn xác định cải cách hành chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, triển khai thực hiện trong hệ thống công đoàn đạt nhiều kết quả quan trọng. Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam diễn ra đầu tháng 12/2023 tới đã dành một khâu đột phá tiếp tục thúc đẩy công tác cải cách hành chính (Chuyển đổi số toàn diện trong hoạt động công đoàn, ưu tiên lĩnh vực quản lý đoàn viên và tài chính), với mục tiêu cải cách hành chính phải xuất phát từ lợi ích của đoàn viên, người lao động; lấy đoàn viên, người lao động làm trung tâm, góp phần cùng Đảng, Nhà nước cải cách thể chế, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển và đáp ứng tốt nhất các yêu cầu của tổ chức, cá nhân trong các lĩnh vực của hoạt động công đoàn. Trên cơ sở Văn bản số 35/VPBCĐCCHC ngày 02/10/2023 của Văn phòng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, Tổng Liên đoàn báo cáo một số vấn đề về “Vai trò của Công đoàn trong cải cách hành chính, giải pháp thời gian tới” như sau:
1.Vai trò của Công đoàn trong cải cách hành chính Các cấp công đoàn tập trung tuyên truyền, giáo dục và tổ chức phong trào thi đua trong cán bộ công đoàn, đoàn viên, người lao động nhằm nâng cao chất lượng thực hiện cải cách hành chính: Thực hiện Chương trình số 02/CTr-BCH ngày 20/7/2021 của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết số 02-NQ/TW, ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”, cụ thể hóa Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 (Nghị quyết 76/NĐ-CP ngày 15/7/2021), các cấp công đoàn trong cả nước đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao ý thức, vận động cán bộ công đoàn, đoàn viên, người lao động tích cực tham gia, góp phần thực hiện có hiệu quả Chương trình cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 và Kế hoạch cải cách hành chính của Tổng Liên đoàn định kỳ hàng năm; tuyên truyền nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan công đoàn đối với việc triển khai thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính. Tổng Liên đoàn đã nghiên cứu “Chỉ số hài lòng về cuộc sống (hạnh phúc) của đoàn viên công đoàn và vấn đề đặt ra”. Công đoàn đã tổ chức phát động và thực hiện tốt phong trào “Tham mưu giỏi, phục vụ tốt”, cuộc vận động xây dựng người cán bộ, công chức, viên chức “Trung thành, trách nhiệm, liêm chính, sáng tạo”; đẩy mạnh việc thực hiện cuộc vận động “Cán bộ, công chức, viên chức nói không với tiêu cực” và phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao trách nhiệm đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức trong hoạt động công vụ.
Hưởng ứng Lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước về công tác phòng, chống đại dịch COVID-19 và phong trào thi đua đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ phát động “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID19”, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn đã chỉ đạo tăng cường ứng dụng công nghệ, áp dụng phần mềm, phát động Chương trình “01 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19” trong giai đoạn 2022 - 2023, Chương trình đã thành công vượt kỳ vọng với 2.033.669 sáng kiến tham gia, đạt trên 200% chỉ tiêu. Nội dung các sáng kiến đa dạng trên các lĩnh vực công tác đã thể hiện được sức sáng tạo và trí tuệ của người lao động Việt Nam kịp thời thích ứng với điều kiện sống, làm việc trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, góp phần quan trọng vào việc ổn định, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và thực hiện nhiệm vụ chính trị của các cơ quan, đơn vị, thiết thực chào mừng đại hội công đoàn các cấp và Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2023 - 2028. Công đoàn tích cực tổ chức tham gia góp ý, phản biện đối với các dự án Luật có liên quan mật thiết đến đoàn viên, người lao động: Chủ động rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản chỉ đạo của tổ chức Công đoàn, kịp thời phát hiện và xử lý các quy định chồng chéo, mâu thuẫn, hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp, đảm bảo đồng bộ, thống nhất với các quy định mới của pháp luật. Việc thu kinh phí công đoàn khu vực sản xuất kinh doanh qua tài khoản của Công đoàn Việt Nam tiếp tục được chú trọng, tính đến hết tháng 6/2023, đã có 56.068 doanh nghiệp đăng ký, khai báo thông tin trên hệ thống thu kinh phí công đoàn (qua Vietinbank và Agribank), góp phần kịp thời cấp kinh phí về cho cơ sở trong quá trình thực hiện, công khai, minh bạch kinh phí công đoàn.
2. Một số giải pháp thời gian tới
- Tuyên truyền vận động cán bộ công chức thực hiện tốt nhiệm vụ cán bộ công chức; nâng cao hiệu quả phong trào “Tham mưu giỏi, phục vụ tốt”, cuộc vận động xây dựng người cán bộ, công chức, viên chức “Trung thành, trách nhiệm, liêm chính, sáng tạo”... Hàng năm, đề nghị các cấp công đoàn biểu dương cán bộ công chức thực hiện tốt cải cách hành chính; chỉ đạo các cấp công đoàn thực hiện các cuộc thi tìm hiểu về cải cách hành chính.
- Tổng Liên đoàn tiến hành nghiên cứu Đề án “Đo lường sự hài lòng của đoàn viên đối với hoạt động công đoàn”, tiến tới đưa bộ tiêu chí này vào nhiệm vụ đánh giá hoạt động công đoàn định kỳ. Tham gia xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật, nhất là các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến đoàn viên, người lao động và tổ chức Công đoàn. Tăng cường công tác pháp chế, thẩm định văn bản; thống kê, rà soát các văn bản đã ban hành, kịp thời phát hiện và xử lý các quy định chồng chéo, mâu thuẫn, hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp, đảm bảo đồng bộ, thống nhất với các quy định mới của pháp luật.
- Tiếp tục nghiên cứu, từng bước thí điểm thực hiện các mô hình về tổ chức bộ máy như: Đề án thí điểm sắp xếp công đoàn ngành, công đoàn tổng công ty trực thuộc theo hướng tập trung, xuyên suốt, tinh gọn, hiệu quả; Trung tâm tư vấn và hỗ trợ người lao động.
- Tăng cường ứng dụng, sử dụng các phầm mềm phục vụ hoạt động công đoàn. Triển khai Phần mềm Văn phòng điện tử V-Office tới 100% Công đoàn các tỉnh, ngành; thực hiện ký số và chuyển nhận văn bản điện tử qua Trục liên thông văn bản quốc gia. Tiếp tục quan tâm đổi mới cách thức ra Nghị quyết, Chương trình của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn, Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn và Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Công đoàn các cấp theo hướng linh hoạt, thiết thực, kịp thời, rõ trách nhiệm, sát hợp với tình hình thực tiễn.