Lượt truy cập

Tổng lượt truy cập

0000155230

Đang online: 9
Lượt truy cập theo tuần: 1285
Lượt truy cập theo năm: 51357

Liên Kết Website

Chi tiết tin

A+ | A | A-

Tham luận của UBND tỉnh Phú Yên tại Phiên họp thứ 6 của Họp Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ

Ngày đăng: 9:45 | 15/11/2023 Lượt xem: 123

 

Chuyển đổi số gắn kết với cải cách thủ tục hành chính tại địa phương

 

Xác định cải cách hành chính là một trong những đột phá phát triển của tỉnh trong thời gian tới, UBND tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, tác phong, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng và phát triển chính quyền số, chuyển đổi số; cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TU ngày 21/12/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chuyển đổi số tỉnh Phú Yên đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. UBND tỉnh cũng đã ban hành nhiều Kế hoạch về chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh như: Kế hoạch số 109/KH-UBND ngày 04/5/2023 về triển khai thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TU ngày 21/12/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chuyển đổi số tỉnh Phú Yên đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, Kế hoạch số 224/KHUBND ngày 31/12/2020 của UBND tỉnh về ứng dụng CNTT trong hoạt động cơ quan Nhà nước, phát triển Chính quyền số giai đoạn 2021 - 2025, Kế hoạch 68/KH-UBND ngày 25/3/2022 về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa triển khai chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Phú Yên giai đoạn 2022 - 2025; đồng thời tổ chức hội nghị, bồi dưỡng, tập huấn phổ biến, quán triệt công tác chuyển đổi số.

Chuyển đổi số luôn gắn kết chặt chẽ với cải cách hành chính nói chung, cải cách thủ tục hành chính nói riêng, làm chỗ dựa để cải cách thủ tục hành chính (TTHC) hay nói đúng hơn, chuyển đổi số đặt ra yêu cầu thay đổi thủ tục hành chính theo hướng ứng dụng công nghệ số nhằm nâng cao hiệu quả và hiệu lực của thủ tục hành chính cao hơn nhiều so với hiện nay cả về mặt thời gian lẫn chất lượng. Một số kết quả đạt được của tỉnh Phú Yên trong công tác chuyển đổi số gắn với cải cách thủ tục hành chính.

- Tỉnh đã thực hiện mạnh mẽ chủ trương văn phòng không giấy tờ tại địa phương. Hiện tại, 100% các cơ quan, đơn vị từ cấp tỉnh đến cấp xã sử dụng Hệ thống quản lý văn bản và điều hành để gửi, nhận văn bản qua Trục liên thông văn bản của tỉnh (trừ các văn bản mật). Tỷ lệ văn bản đi/đến của các cơ quan hành chính trên địa bàn tỉnh trên môi trường mạng đạt 100%; 100% văn bản đi của các đơn vị được ký số chuyên dùng của Ban Cơ yếu Chính phủ.

- Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh đã kết nối 05 hệ thống thông tin/CSDL của các bộ, ngành trung ương để phục vụ việc giải quyết TTHC tại tỉnh gồm: Phần mềm CSDL đất đai; Hệ thống đăng ký, giải quyết chính sách trợ giúp xã hội trực tuyến; Hệ thống CSDL quốc gia về dân cư; Hệ thống dịch vụ công liên thông; Hệ thống Hộ tịch.

 - Toàn tỉnh có 140 cổng/trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước thuộc tỉnh (20/21 cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, 09/09 UBND cấp huyện và 110/110 UBND cấp xã) cung cấp thông tin và các dịch vụ hành chính công phục vụ cá nhân và tổ chức.

- Đến nay, 100% người dân tham gia hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh, hệ thống chuyên ngành để xác thực định danh điện tử.

- Đã ban hành Danh mục dịch vụ công trực tuyến toàn trình và dịch vụ công trực tuyến một phần trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Phú Yên (Quyết định số 464/QĐ-UBND ngày 18/4/2023) với 1.547 thủ tục, trong đó: Dịch vụ công trực tuyến toàn trình là 852 thủ tục, dịch vụ công trực tuyến một phần là 695 thủ tục, đã tích hợp, công khai trên Cổng dịch vụ công quốc gia 380 thủ tục chiếm tỷ lệ 44,6%.

 - Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của tỉnh (LGSP) triển khai đáp ứng yêu cầu đặt ra. Hiện nay đã kết nối và đưa vào vận hành hơn 18 CSDL quốc gia từng bước được đưa vào khai thác.

- Các nền tảng dùng riêng từng ngành, dùng riêng liên thông với Bộ chuyên ngành đã khai thác và hoạt động hiệu quả: Hệ thống Kế toán MISA, Bảo hiểm Y tế, Quản lý Doanh nghiệp, …

- Đã triển khai việc kết nối, tích hợp chữ ký số công cộng lên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh để phục vụ người dân và doanh nghiệp sử dụng chữ ký số trong việc nộp hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính đảm bảo nhanh chóng, thuận tiện. Thưa các đồng chí! Để thực hiện tốt công tác chuyển đổi số gắn kết với cải cách thủ tục hành chính đạt hiệu quả, trong thời gian tới cần triển khai các giải pháp sau:

Một là, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tỉnh và Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước để tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động từng bước hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành.

Hai là, tăng cường và đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và kiến thức về CNTT đối với cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước cũng như tạo được sự lan tỏa, đồng thuận của người dân, tổ chức và doanh nghiệp; tổ chức đào tạo, tập huấn, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ quản trị, vận hành, khai thác các hệ thống thông tin, phần mềm đã được đầu tư.

Ba là, quan tâm, cân đối thêm nguồn lực cho chương trình phát triển và ứng dụng CNTT tại các cơ quan, đơn vị đảm bảo đáp ứng đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị CNTT... góp phần hiện đại hoá nền hành chính.

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn: