Lượt truy cập

Tổng lượt truy cập

0000159635

Đang online: 283
Lượt truy cập theo tuần: 5690
Lượt truy cập theo năm: 55762

Liên Kết Website

Chi tiết tin

A+ | A | A-

Tham luận của UBND tỉnh Gia Lai tại Phiên họp thứ 6 của Họp Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ

Ngày đăng: 9:44 | 15/11/2023 Lượt xem: 112

 

Đẩy mạnh cải cách thể chế góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh

Thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 và các văn bản liên quan, phát huy vị trí, vai trò của chính quyền địa phương, thời gian qua, công tác cải cách thể chế được Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai quan tâm, chỉ đạo sát sao và đã có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng ban hành, tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) ngày càng được nâng cao, góp phần quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư của tỉnh Gia Lai.

Triển khai Nghị quyết số 27-NQ/TW, Ban Cán sự đảng UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 193-KH/BCSĐ ngày 28/6/2023; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch hành động số 1655/KH-UBND ngày 30/6/2023. Bên cạnh đó, tỉnh Gia Lai luôn đề cao tính chủ động, sáng tạo, tập trung xây dựng chính sách, pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, kiểm tra, giám sát, bảo đảm tính thống nhất, thông suốt, kỷ luật, kỷ cương, hiệu lực, hiệu quả; xác định rõ và thực hiện đầy đủ vị trí, vai trò, thẩm quyền, trách nhiệm của UBND trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.

Trong 9 tháng đầu năm 2023, nhiều chỉ tiêu kế hoạch năm 2023 tăng so với cùng kỳ như: Diện tích gieo trồng, sản lượng lương thực, giá trị sản xuất công nghiệp, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, kim ngạch xuất khẩu, số doanh nghiệp thành lập mới, tổng vốn đăng ký, số doanh nghiệp đăng ký hoạt động trở lại, số lượng dự án đầu tư; hoạt động du lịch tiếp tục khởi sắc,… UBND tỉnh đã thành lập Tổ công tác đặc biệt để rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn 119 tỉnh do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng; Kế hoạch số 2423/KHUBND ngày 08/9/2023 về khắc phục, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số xanh (PGI) của tỉnh năm 2023 và các năm tiếp theo.

Những kết quả cụ thể về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thực hiện pháp luật trong thời gian qua như sau: Các nội dung giao cho chính quyền địa phương cấp tỉnh quy định chi tiết tại VBQPPL của cơ quan nhà nước cấp trên đã được HĐND tỉnh ban hành nghị quyết, UBND tỉnh ban hành quyết định để triển khai kịp thời, đồng bộ tại địa phương; một số lĩnh vực cần tập trung đầu tư, phát triển, UBND tỉnh đã tham mưu HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định biện pháp có tính chất đặc thù phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương;…

Hệ thống VBQPPL của HĐND tỉnh, UBND tỉnh Gia Lai được hoàn thiện trong tất cả các lĩnh vực góp phần quan trọng hoàn thiện hệ thống thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; chất lượng xây dựng VBQPPL của địa phương ngày càng được nâng cao, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật. Trong đó, có thể kể đến một số VBQPPL được ban hành đã góp phần thu hút đầu tư như: Nghị quyết số 102/2019/NQHĐND ngày 10/7/2019 của HĐND tỉnh Gia Lai quy định một số chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Gia Lai; Nghị quyết số 108/2019/NQ-HĐND ngày 10/7/2019 của HĐND tỉnh Gia Lai quy định một số chính sách hỗ trợ về đầu tư du lịch, hoạt động xúc tiến du lịch và phát triển du lịch cộng đồng; Nghị quyết số 06/2021/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 của HĐND tỉnh Gia Lai quy định chính sách, biện pháp nhằm đảm bảo thi hành Điều 9 Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Gia Lai; Quyết định số 17/2023/QĐUBND ngày 07/4/2023 của UBND tỉnh Gia Lai ban hành Quy định cụ thể điều kiện, tiêu chí, quy mô, tỷ lệ để tách thành dự án độc lập trên địa bàn tỉnh Gia Lai; Quyết định số 29/2023/QĐ-UBND ngày 13/7/2023 của UBND tỉnh Gia Lai sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 32/2016/QĐ-UBND ngày 15/7/2016 của UBND tỉnh Gia Lai ban hành Quy định nội dung xúc tiến thương mại được hỗ trợ và mức hỗ trợ kinh phí hoạt động xúc tiến thương mại địa phương trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Hàng năm, UBND tỉnh Gia Lai đều tổ chức Hội nghị gặp mặt, chia sẻ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hợp tác xã với sự tham gia của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh, Hội Nữ doanh nhân tỉnh, Hiệp hội Du lịch tỉnh. Tại hội nghị, đại diện các hiệp hội, hội, doanh nghiệp, hợp tác xã đã có những phản ánh, kiến nghị khó khăn, vướng mắc trong quá trình áp dụng, thi hành pháp luật; đề xuất, kiến nghị các giải pháp,...

Trên cơ sở đó, đại diện các sở, ngành đã trực tiếp trả lời, giải đáp các thắc mắc của các hiệp hội, hội, doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc ghi nhận những vấn đề pháp lý đặt ra để có sự nghiên cứu, hoàn thiện các VBQPPL của địa phương để điều chỉnh hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét hướng dẫn, hoàn thiện VBQPPL thuộc thẩm quyền ban hành nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, hợp tác xã.

Với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, tỉnh Gia Lai xác định nhiệm vụ đẩy mạnh cải cách thể chế là một trong những nhiệm vụ quan trọng của các cấp chính quyền địa phương trong thời gian tới nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đổi mới công tác xúc tiến đầu tư, thu hút vốn đầu tư, đóng góp cho ngân sách nhà nước, tăng thu nhập bình quân đầu người,… Theo đó, công tác cải cách thể chể được đổi mới từ khâu ban hành các nghị quyết, quyết định cụ thể trong đó chủ động đề xuất xây dựng, thi hành các biện pháp có tính chất đặc thù phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Bên cạnh kết quả đạt được, một số khó khăn, vướng mắc trong công tác cảicách thể chế của tỉnh Gia Lai như sau:

- Hiện nay, số lượng VBQPPL của cơ quan nhà nước cấp trên (như: Luật, Nghị định, Thông tư,…) có nội dung giao cho HĐND cấp tỉnh, UBND cấp tỉnh ban hành văn bản quy định chi tiết tương đối nhiều. Mặc dù Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành VBQPPL năm 2020 (sau đây gọi là Luật năm 2020) đã sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 (sau đây gọi là Luật năm 2015) nhằm quy định rõ ràng, hoàn thiện hơn, tuy nhiên Luật năm 2020 vẫn chưa giải quyết triệt để các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn công tác xây dựng, ban hành VBQPPL, đặc biệt là việc xác định thẩm quyền ban hành VBQPPL của HĐND cấp tỉnh, UBND cấp tỉnh trong từng trường hợp cụ thể theo các quy định tại Điều 27, Điều 28 của Luật năm 2015, chẳng hạn như: Khi nào thì ban hành văn bản quy định chi tiết; khi nào thì ban hành văn bản quy định biện pháp nhằm bảo đảm thi hành VBQPPL của cơ quan nhà nước cấp trên; khi nào thì ban hành văn bản quy định biện pháp có tính chất đặc thù;…

- Hiện nay, vẫn còn tình trạng một số VBQPPL của cơ quan nhà nước cấp trên mà không phải luật, nghị quyết của Quốc hội có nội dung giao HĐND cấp tỉnh, UBND cấp tỉnh quy định chi tiết một số nội dung có liên quan đến thủ tục hành chính (như: Nghị định số 148/2020/NĐ-CP ngày 18/12/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai giao UBND cấp tỉnh: “quy định cụ thể điều kiện tách thửa đất, điều kiện hợp thửa đất theo từng loại đất”; “quy định cụ thể điều kiện, tiêu chí, quy mô, tỷ lệ để tách thành dự án độc lập”;...). Quá trình xây dựng văn bản quy định chi tiết các nội dung được giao, địa phương phát sinh các vấn đề liên quan đến hành vi bị nghiêm cấm quy định tại khoản 4 Điều 1 Luật năm 2020.

 - Một số nội dung quy định trách nhiệm của UBND các cấp theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương có phải là trường hợp giao UBND các cấp ban hành văn bản quy định chi tiết hay không? Tại địa phương, hiện nay việc xác định nội dung được giao quy định chi tiết vẫn còn nhiều lúng túng, chưa thống nhất. - Một số nội dung giao địa phương quy định chi tiết tại VBQPPL của cơ quan nhà nước cấp trên là không cần thiết (địa phương không phát sinh nội dung cần quy định cụ thể hơn so với quy định của Trung ương), làm cho địa phương lúng túng và không thống nhất trong quá trình áp dụng pháp luật như: Giao ban hành Quy chế/Quy định phối hợp quản lý nhà nước trong một số ngành, lĩnh vực;... - Cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương chưa thực hiện việc thông báo kịp thời, đầy đủ nội dung giao quy định chi tiết tại VBQPPL của các cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương theo quy định.

Nhằm đạt được các mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 76/NQ-CP, nâng cao hiệu quả công tác cải cách thể chế góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, trong thời gian tới, tỉnh Gia Lai sẽ tiếp tục ứng dụng một số giải pháp đem lại hiệu quả, cụ thể:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác cải cách thể chế thể hiện thông qua việc quyết định các mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp quan trọng về cải cách thể chế; lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời việc thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng có liên quan đến công tác cải cách thể chế.

Hai là, xây dựng hệ thống VBQPPL của HĐND tỉnh, UBND tỉnh bảo đảm đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch, ổn định, khả thi, dễ tiếp cận, đủ khả năng điều chỉnh các quan hệ xã hội, lấy quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, tổ chức, doanh nghiệp làm trung tâm; hoàn thiện hệ thống pháp luật trên tất cả các lĩnh vực, tạo môi trường pháp lý bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi, khuyến khích đổi mới sáng tạo, cạnh tranh lành mạnh của các thành phần kinh tế trên cơ sở tuân thủ pháp luật; cắt giảm thủ tục hành chính không cần thiết, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, đơn giản hoá quy trình, quy định thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh.

Ba là, nghiên cứu, đề xuất giải pháp và tiếp tục áp dụng các giải pháp trong công tác xây dựng, thi hành pháp luật nhằm hoàn thiện hệ thống VBQPPL của HĐND, UBND bảo đảm phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước; bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của văn bản với hệ thống pháp luật, khắc phục các tồn tại, hạn chế trong công tác cải cách thể chế. Trong đó, nổi bật là giải pháp theo dõi, cập nhật thông tin Trung ương giao nhiệm vụ cho địa phương tại mẫu được tạo sẵn trên phần mềm ứng dụng Sheet trên nền Google Docs; triển khai lập danh mục nghị quyết của HĐND tỉnh, quyết định của UBND tỉnh quy định chi tiết VBQPPL của cơ quan nhà nước cấp trên; cập nhật chuyên mục “LẤY Ý KIẾN ĐỐI VỚI VIỆC THỰC HIỆN CÁC VBQPPL DO HĐND, UBND BAN HÀNH” trên Cổng thông tin điện tử tỉnh Gia Lai, Cổng/Trang thông tin điện tử của các sở, ban, ngành tỉnh, UBND cấp huyện; thường xuyên tuyên truyền, phổ biến cho các cơ quan, đơn vị và tổ chức, cá nhân biết và thực hiệc việc kiến nghị, phản ánh về VBQPPL của HĐND, UBND ban hành thông qua chuyên mục “LẤY Ý KIẾN ĐỐI VỚI VIỆC THỰC HIỆN CÁC VBQPPL DO HĐND, UBND BAN HÀNH”

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn: