Lượt truy cập

Tổng lượt truy cập

0000164130

Đang online: 202
Lượt truy cập theo tuần: 10185
Lượt truy cập theo năm: 60257

Liên Kết Website

Chi tiết tin

A+ | A | A-

Tham luận của UBND TP. Đà Nẵng tại Phiên họp thứ 6 của Họp Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ

Ngày đăng: 9:43 | 15/11/2023 Lượt xem: 130

 

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trên địa bàn thành phố

  1. VỀ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN ĐỀ ÁN PHÂN CẤP UỶ QUYỀN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC

Ngày 19/6/2020, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 119/2020/QH14 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. Từ ngày 01/7/2021, thành phố Đà Nẵng thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị, không tổ chức Hội đồng nhân dân quận, phường. Kế thừa các kết quả đạt được sau khi thực hiện phân cấp quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực giai đoạn 2016 - 2020 theo Kế hoạch số 6663/KH-UBND ngày 05/8/2016, Thành ủy, UBND thành phố đã xác định việc thực hiện phân cấp, ủy quyền là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm nhằm triển khai có hiệu quả thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị, đồng thời là giải pháp, tiêu chí đánh giá hiệu lực, hiệu quả trong xử lý công việc của các cấp chính quyền, phát huy được vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong quản lý, điều hành ở các cấp. Ngày 19/11/2021, trên cơ sở chủ trương của Thành ủy, HĐND thành phố, UBND thành phố đã ban hành Đề án số 7796/ĐA-UBND phân cấp, ủy quyền quản lý nhà nước gắn với thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021 - 2026.

1. Về phân cấp: Kế thừa kết quả giai đoạn 2016 - 2020, thành phố đã ban hành các văn bản quy phạm thực hiện phân cấp 18 nội dung trên các lĩnh vực trọng tâm như tổ chức nhân sự, đầu tư, tài chính - ngân sách, quản lý đô thị, quản lý tài nguyên môi trường.

2. Về uỷ quyền: UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố đã ban hành các quyết định ủy quyền đối với 83 nội dung quản lý trên tất cả các lĩnh vực. Qua phân cấp, ủy quyền, các sở ngành đã thực hiện việc rà soát, điều chỉnh các quy định pháp luật về phân cấp quản lý, giảm ít nhất 20 đầu công việc, thủ tục tại UBND thành phố; rút ngắn quy trình và giảm thời gian giải quyết các thủ tục hành chính, đặc biệt là đầu tư, đất đai, đô thị. Công tác phân cấp, uỷ quyền quản lý nhà nước đã tạo sự chuyển biến trong nhận thức của các ngành, các cấp, đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị.

Phân cấp, ủy quyền đã nâng cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu là các Giám đốc sở, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện; gắn kết quả giải quyết công việc với vai trò quản lý và trực tiếp chịu trách nhiệm của cơ quan chuyên môn và cấp chính quyền quận, huyện, phường, xã đối với công việc do chính mình tiếp nhận, xử lý và quyết định (công việc do cấp nào làm thì cấp đó quyết định và chịu trách nhiệm). Đồng thời, thông qua việc phân cấp, ủy quyền đã góp phần từng bước khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm lên cấp trên hoặc cơ quan quan phối hợp.

Do đó, việc thực hiện Đề án bước đầu đạt kết quả tốt, tạo sự đồng thuận trong điều hành; quá trình thực hiện có mở rộng thêm trên các lĩnh vực; trình tự, cách thức thực hiện chặt chẽ, phù hợp với quy định của pháp luật và yêu cầu của thực tiễn đơn vị, địa phương. Theo đó, ước tính tổng số lượng công việc các cơ quan, đơn vị nhận phân cấp, uỷ quyền quyết định hoặc phê duyệt trong năm 2022 theo báo cáo thống kê của các đơn vị là 7.997 hồ sơ (không tính những các nội dung tiếp nhận thông báo, báo cáo, đăng ký thông tin, không phát sinh hồ sơ đi). Ước tổng thời gian giải quyết giảm của 89 nội dung phân cấp, uỷ quyền trên là 233 ngày.

  1. KHÓ KHĂN HẠN CHẾ

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn một số khó khăn, hạn chế mà tại hội nghị sơ kết 01 năm thực hiện Đề án phân cấp ủy quyền của thành phố, các cấp các ngành đã thẳng thắn thừa nhận như: Một số nội dung phân cấp do quy định của pháp luật chuyên ngành chưa rõ, cần xin ý kiến của các cơ quan Trung ương; một số nội dung chưa triển khai kịp thời, đồng bộ với việc xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý, chuyển giao công cụ hỗ trợ (phần mềm, cơ sở dữ liệu đất đai, quy chế quản lý kiến trúc, hướng dẫn định mức kinh tế - kỹ thuật thực hiện đặt hàng, đấu thầu, giám sát cung ứng dịch vụ sự nghiệp công ích); phân cấp, uỷ quyền giữa UBND quận và UBND phường có chuyển biến nhưng còn ít, chủ yếu một số nội dung quản lý đô thị; công tác triển khai còn chưa đồng bộ, cần tiếp tục đốn đốc, hướng dẫn…

  1. CÁC GIẢI PHÁP ĐẨY MẠNH PHÂN CẤP, PHÂN QUYỀN TRONG THỜI GIAN ĐẾN

Để đảm bảo nguồn lực thực hiện phân cấp, uỷ quyền hiệu quả, góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan đơn vị, thành phố đã chỉ đạo các ngành tập trung các giải pháp trọng tâm trong thời gian tới:

- Tiếp tục quán triệt việc đẩy mạnh thực hiện phân cấp, ủy quyền khoa học, hợp lý đi đôi với nâng cao trách nhiệm; phân định rõ trách nhiệm giữa cá nhân và tập thể, đề cao vai trò, trách nhiệm của cá nhân, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương.

 - Tiếp tục rà soát, báo cáo thường xuyên kết quả thực hiện các nội dung đã được phân cấp, ủy quyền để bổ sung, hoàn thiện phù hợp với tình hình thực tiễn và quy định của pháp luật.

- Đảm bảo các điều kiện thực hiện nhiệm vụ phân cấp, uỷ quyền: Hoàn thiện các văn bản hướng dẫn, công cụ, phần mềm, cơ sở dữ liệu liên quan, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ được phân cấp, uỷ quyền.

- Tăng cường cơ chế hậu kiểm, có kế hoạch định kỳ thanh tra, kiểm tra, giám sát; phát hiện và chấn chỉnh kịp thời những vướng mắc, bất cập, ngăn ngừa sai phạm trong quá trình thực hiện.

- UBND các quận, huyện chủ động rà soát thẩm quyền của mình để mạnh dạn phân cấp, ủy quyền phù hợp cho UBND phường, xã, nhất là các công việc gắn liền với địa bàn dân cư để giải quyết kịp thời yêu cầu của người dân. Trên đây là tham luận của thành phố Đà Nẵng về phân cấp uỷ quyền trên địa bàn thành phố.

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn: