Mục đích, yêu cầu: Trao tặng Giải thưởng Huỳnh Ngọc Huệ nhằm ghi nhận, tôn vinh đoàn viên công đoàn có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước, đặc biệt phong trào “Lao động giỏi, Lao động sáng tạo”. Qua đó tiếp tục động viên đoàn viên công đoàn thi đua thực hiện nhiệm vụ được phân công, góp phần quan trọng trong việc xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phát triển bền vững, xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn vững mạnh.Việc xét chọn đoàn viên công đoàn để trao tặng Giải thưởng phải công khai, dân chủ, đúng đối tượng, đảm bảo tiêu chuẩn. Cá nhân được bình chọn phải là tấm gương điển hình để mọi người noi gương, học tập và được nhân rộng trong phạm vi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, ngành, địa phương. Tổ chức các hoạt động tôn vinh đảm bảo trang trọng, có sức lan tỏa, tiết kiệm và hiệu quả.
1. Liên đoàn Lao động các huyện, thị xã, thành phố, công đoàn ngành chỉ đạo công đoàn cơ sở phổ biến Kế hoạch này đến đoàn viên công đoàn biết để làm hồ sơ tham gia xét chọn Giải thưởng. Xét chọn những cá nhân đủ tiêu chuẩn tổ chức hiệp y với các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị – xã hội tỉnh, chủ sử dụng lao động (đối với công đoàn ngành), với Thường trực Hội đồng Thi đua – Khen thưởng các huyện, thị xã, thành phố (đối với Liên đoàn Lao động các huyện, thị xã, thành phố) và lập hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng gửi về Liên đoàn Lao động tỉnh.
2. Công đoàn cơ sở Trung ương phối hợp với Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, chủ sử dụng lao động phổ biến đến đoàn viên là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp biết để tham gia giải thưởng; phối hợp hiệp y với Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đề nghị xét tặng Giải thưởng cho các cá nhân thuộc quyền quản lý.
3. Các Sở, Ban, ngành, tổ chức chính trị – xã hội tỉnh, chủ sử dụng lao động phối hợp với CĐCS phổ biến đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị biết để tham gia giải thưởng; hiệp y với công đoàn ngành, đề nghị xét tặng Giải thưởng cho các cá nhân thuộc cơ quan, đơn vị mình quản lý.
4. Hội đồng Thi đua – Khen thưởng các huyện, thị xã, thành phố: phối hợp với Liên đoàn Lao động huyện, thị xã, thành phố phổ biến đến đoàn viên là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tại địa phương biết để tham gia giải thưởng; hiệp y với Liên đoàn Lao động các huyện, thị xã, thành phố đề nghị xét tặng Giải thưởng cho các cá nhân thuộc địa phương quản lý.
5. Sở Thông tin và Truyền thông: chỉ đạo công tác thông tin tuyên truyền về Giải thưởng, Báo Quảng Nam, Đài Phát thanh – Truyền hình Quảng Nam, Cổng thông tin điện tử tỉnh, Cổng thông tin Liên đoàn Lao động tỉnh đăng tải thông tin thể lệ Giải thưởng cung cấp thông tin cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động biết để tham gia Giải thưởng.
6. Liên đoàn Lao động tỉnh – cơ quan Thường trực Ban Tổ chức Giải thưởng có trách nhiệm giúp Ban Tổ chức Giải thưởng theo dõi, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp triển khai thực hiện Kế hoạch. Tham mưu UBND tỉnh tổ chức Lễ tổng kết, trao Giải thưởng và công bố công khai các cá nhân đạt Giải thưởng trên các phương tiện thông tin đại chúng và đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử của tỉnh và Cổng thông tin điện tử Liên đoàn Lao động tỉnh. Ban hành quyết định thành lập Ban Thư ký Hội đồng xét tặng Giải thưởng. Xây dựng Bảng điểm Giải thưởng, thông tin tuyên truyền đến các cá nhân biết để tham gia Giải thưởng. Tiếp tục vận động Quỹ Giải thưởng Huỳnh Ngọc Huệ. Đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí tổ chức lễ tổng kết, trao Giải thưởng; Liên đoàn Lao động tỉnh có trách nhiệm thanh, quyết toán kinh phí theo quy định.
Đề nghị các đơn vị căn cứ kế hoạch này, triển khai thực hiện đảm bảo đúng tiến độ để việc tổ chức trao tặng Giải thưởng Huỳnh Ngọc Huệ lần thứ II, năm 2024 đạt kết quả. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc phản ánh về Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Nam (qua Ban Chính sách pháp luật và quan hệ lao động, số điện thoại: 0235.3 852 502) để được kịp thời tham mưu giải quyết./.